Thoái vị và lưu vong Shō_Tai

Đám tang Hầu tước Shō Tai

Ngày 11 tháng 3 năm 1879, Shō Tai chính thức thoái vị theo lệnh từ Tokyo, theo đó bãi bỏ phiên Lưu Cầu và lập tỉnh Okinawa, với các quan chức được bổ nhiệm từ Tokyo sẽ quản lý quần đảo.[10] Nhà vua dời khỏi cung điện vào ngày 30 tháng 3,[11] và chuyển đến Tokyo, sau một số trì hoãn vì lý do bệnh tật và không có khả năng để đi lại, ông cuối cùng phải dời khỏi Okinawa vào ngày 27 tháng 5, và đến Yokohama ngày 8 tháng 6, đi cùng ông đến Tokyo là 96 cận thần.[12]

Sau khi yết kiến Thiên hoàng Minh Trị ngày 17 tháng 6 năm 1879, ông được thu nhập vào quý tộc kazoku (Hoa tộc) với tước hiệu hầu tước (侯爵, kōshaku?). Trong phần còn lại của cuộc đời, ông đã được trở về Okinawa một lần duy nhất vào năm 1884, để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên của mình[1] tại Tamaudun, lăng mộ vương thất tại Shuri.

Tổng đốc Lý Hồng Chương phản đối việc sáp nhập vương quốc, và đã cố gắng khai mở các câu hỏi về chủ quyền của Lưu Cầu, bằng các thảo luận với Tổng thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant và các quan chức tại Tokyo, song không thành công.

Chính khách Ōkubo Toshimichi đưa ra đề nghị vào năm 1875 rằng nếu Hầu tước Shō Tai được làm tri sự cha truyền con nối của Okinawa, nó sẽ giúp làm dịu đi tinh thần chống Nhật ở Okinawa và sẽ giúp tỉnh đồng hóa tốt hơn vào quốc gia. Một phong trào lớn ở Okinawa mang tên Kōdō-kai đã đề nghị việc tương tự vài năm sau đó, song ý tưởng này cuối cùng đã bị triều đình Tokyo từ chối vì nó có thể thể hiện cho một thất bại của chính quyền đương thời và có thể ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền của hòn đảo.[13]

Mặc dù được phong làm Hầu tước, nhiều nghi lễ tương tự như dành cho quốc vương Lưu Cầu tiếp tục được thi hành với Shō Tai. Ông thuộc giới thượng lưu ở Tokyo, và tham gia vào kinh doanh. Nhà Shō đã cố gắng phát triển một mỏ đồng tại Okinawa năm 1887 song lại có tiềm năng kém. Người quản lý kinh doanh của hầu tước, lại thành công trong việc mở một công ty có trụ sở tại Osaka gọi là "Maruichi Shōten," kinh doanh các sản phẩm nội địa Okinawa, bán chúng ở Osaka và phân phối khắp đất nước.[14]

Shō Tai mất năm 1901, thọ 58 tuổi, ông được táng tại lăng mộ vương thất ở Shuri là Tamaudun. Gia đình ông tuân theo nghi lễ tang truyền thống Lưu Cầu trong hai năm, sau đó họ đã từ bỏ trang phục truyền thống, lễ hội, ngôn ngữ vương thất và lối sống để tiếp nhận những thứ tương tự của tầng lớp Kazoku Nhật Bản.[15]

Tước hiệu
Tiền vị
Shō Iku
Quốc vương của Lưu Cầu
1848-11 tháng 3 năm 1879
Vị trí bị bãi bỏ
Vương quốc Lưu Cầu bị sáp nhập vào Đế quốc Nhật Bản
Tiền vị
Shō Iku
Đứng đầu gia tộc Shō
1848-1901
Kế vị
Shō Ten